Hình ảnh giếng trời trong nhiều năm trở lại đây đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các thiết kế nhà hiện đại. Thiết kế thu hút với khoảng không gian xanh mát, thoáng đãng, mang lại cảm giác thư thái, hài hòa với thiên nhiên.
Giếng trời là gì?
Giếng trời chính là một khoảng không gian nhỏ được thiết kế thông từ tầng trệt đến mái của nhà ở hoặc tòa nhà cao tầng. Tùy theo sở thích của gia chủ hoặc yếu tố phong thủy, thẩm mỹ mà thiết kế theo phương thẳng đứng hoặc hơi chéo.
Hiện nay rất nhiều các thiết kế nhà phố, nhà ống đều sử dụng giếng trời. Đây là một trong những giải pháp kiến trúc mang tính kỹ thuật và mỹ thuật tối ưu giúp thông gió, lấy sáng cho không gian nội thất, đồng thời tạo điểm nhấn ấn tượng cho công trình.
Trước đây, khi đưa khái niệm giếng trời vào nhà ở, các thiết kế chỉ đơn thuần là tạo nên một khoảng không tràn ngập ánh sáng và trống trải. Nhưng giờ đây, chúng đã được kết hợp nhiều hơn với các chi tiết, hệ thống, thành phần phụ khác như cây cối hoặc các khu vực thư giãn, tiếp khách. Đồng thời, với sự phát triển của vật liệu hiện nay, hệ thống giếng trời cũng bắt đầu được đa dạng hóa bằng cách thay đổi nhiều loại vật liệu đa dạng từ truyền thống như gạch cho đến những vật liệu mang tính xu hướng hơn như kính, kim loại, gạch kính.
Vị trí xây dựng
Tùy vào từng kiểu thiết kế hay sở thích, nhu cầu của gia chủ mà giếng trời có thể được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà. Ví dụ như trung tâm nhà, cạnh cầu thang, phòng bếp, phòng ăn hoặc đặt sau nhà.
Đa số hiện nay giếng trời thường được đặt ở khoảng giữa nhà, ngay cạnh cầu thang nhằm khai thác tối đa chức năng lấy sáng và thông gió. Tại vị trí đó, có thể khai thác tới ba mặt (một mặt thường giáp tường biên), cho các không gian phòng ngủ, phòng vệ sinh, cầu thang, hành lang… hay các phòng chức năng khác.
Mặt khác, với vị trí trung tâm, gia chủ sẽ dễ dàng hơn trong việc trang trí giếng trời trở thành điểm nhấn bắt mắt, thu hút sự chú ý của khách khi tới thăm nhà.
Theo các chuyên gia phong thủy, giếng trời không nên đặt ở vị trí hướng Bắc, còn lại những cung và hướng khác đều khá thuận lợi với vận mệnh của hầu hết các gia chủ, cải vận tăng tài lộc và sức khỏe cho gia đình. Kinh nghiệm cho thấy, hướng Nam, Đông Nam là nơi đón nhận nguồn sáng ổn định và không khí mát mẻ nhất.
Mang ánh sáng tự nhiên vào mái ấm của bạn
Với những ngôi nhà ống có mặt tiền nhỏ hẹp, kích thước chiều sâu lớn và đặc biệt là 3 mặt tiền giáp các công trình khác, giếng trời trở thành giải pháp kĩ thuật tối ưu. Thiết kế giúp đón sáng tự nhiên, tạo nguồn sinh khí tươi mới cho ngôi nhà. Ánh sáng từ phần mái sẽ theo thân giếng xuống, lan tỏa khắp không gian nội thất.
Thông gió tự nhiên, điều hòa không khí: Một trong những chức năng quan trọng của giếng trời là lấy gió tự nhiên, giúp quá trình lưu thông không khí giữa bên trong ngôi nhà với bên ngoài diễn ra đều đặn, mang đến bầu không khí trong lành và tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người sống trong nhà. Chính vì vậy, nhiều gia đình hiện nay đều cân nhắc thiết kế giếng trời để giúp ngôi nhà thoáng mát hơn, nhất là trong mùa hè oi nóng.
Tiết kiệm năng lượng điện: Như chúng ta đã biết, giếng trời giúp không gian nhà trở nên thoáng sáng hơn nên gia chủ sẽ tiết kiệm được chi phí cho năng lượng điện thắp sáng và hệ thống làm mát.
Ngoài ra, giếng trời còn có ý nghĩa quan trọng trong phong thủy nhà ở, có thể mang lại nguồn vượng khí tối đa cho chính bản thân gia chủ cũng như các thành viên trong gia đình
Chức năng thẩm mỹ
Giếng trời xuất hiện ở châu Âu từ thời kỳ phục hưng, cụ thể là ở các nhà thờ lớn, bảo tàng cổ và đã được cách tân qua nhiều thời kỳ cho phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng. Hình ảnh giếng trời xuất hiện trong các thiết kế nhà hiện nay trở thành một nét chấm phá, điểm đặc biệt trong kiến trúc tổng thể, thể hiện sự sáng tạo, thưởng ngoạn riêng của mỗi gia chủ.